beemart.vn
Cách làm lẩu Thái thập cẩm chua cay cho ngày lạnh

Cách làm lẩu Thái thập cẩm chua cay cho ngày lạnh

Thứ Wed,
30/10/2019
(0) Nhận xét

Bạn đã biết cách làm lẩu Thái thập cẩm chua cay ngon đúng điệu chuẩn vị Thái cả nhà đều mê chưa? Hãy theo dõi ngay bài viết dưới đây của Beemart để bỏ túi tuyệt chiêu làm lẩu Thái thập cẩm thơm ngon ngất ngây ngay tại nhà nhé!

Cách làm lẩu Thái thập cẩm cực ngon

lau-Thai-thap-cam

Nguyên liệu nấu lẩu Thái thập cẩm

Để làm món lẩu Thái thập cẩm thơm ngon đúng điệu, chúng ta thường nghĩ đến rất nhiều nguyên liệu phải không nào. Tuy nhiên các nguyên liệu này hoàn toàn không khó kiếm, chỉ cần 30 phút đi chợ là bạn đã có thể chuẩn bị được đầy đủ hết tất cả rồi. Tùy vào sở thích của bạn mà có thể lựa chọn những nguyên liệu khác nhau để chế biến món lẩu Thái thập cẩm chua chua cay cay ngon tuyệt cú mèo này nhé!

Phần nước lẩu

  • Xương ống heo: 1kg
  • Cà chua: 3 quả, rửa sạch, thái múi cau
  • Sả: 4-5 cây, bóc bỏ lóp vỏ già bên ngoài đi, đập dập
  • Chanh: 2 quả, vắt lấy nước cốt
  • Ớt: 2-3 quả
  • Lá chanh: Rửa sạch rồi đem vò nát
  • Riềng: 1 củ rửa sạch, băm nhỏ
  • 1 lọ sa tế lẩu Thái
  • 1 gói gia vị lẩu Thái
  • 1 hộp nước cốt dừa
  • Gia vị: Hạt nêm, bột ngọt, bột canh, đường, nước mắm

lau-Thai-thap-cam

Lưu ý: Nguyên liệu trên đây dùng cho bữa ăn từ 5-6 người ăn. Tùy vào số lượng người ăn mà bạn có thể tăng hay giảm nguyên liệu cho phù hợp.

Phần đồ nhúng

  • Mực lá:  2 con
  • Tôm sú: 0,5 kg
  • Ngao: 0,5 kg
  • Thịt bò Mỹ: 0,5 kg
  • Nấm các loại
  • Ngô ngọt, khoai sọ, khoai lang, đậu phụ
  • Các loại rau nhúng: Rau muống, rau cải, cải thảo, xà lách, rau thơm…

lau-Thai-thap-cam

Cách nấu lẩu Thái thập cẩm

Tiến hành nấu lẩu Thái thập cẩm chua cay, bạn cần thực hiện theo các bước sau đây:

Bước 1: Hầm xương để làm nước lẩu Thái

Để nấu một nồi lẩu Thái thập cẩm chua cay đúng vị thì phần nước dùng đóng vai trò cực kì quan trọng. Nước hầm xương có trong, ngọt thì nồi lẩu mới ngon.

  • Trước tiên, xương ống mua về bạn đem rửa qua nước lạnh rồi cho vào nồi đổ nước ngập mặt xương, đun sôi trong khoảng 2-3 phút. Bước này không nên đun quá lâu xương sẽ mất đi vị ngọt tự nhiên.
  • Sau đó, đổ xương ra rổ rửa kĩ lại bằng nước lạnh, đổ nước xương lần đầu đi vì nước này còn đục và có mùi hôi.
  • Tiếp tục đổ phần xương đã rửa sạch vào nồi, cho 2 thìa cà phê hạt nêm, nước mắm vào nồi sau đó xóc đều, đổ nước ngập mặt xương, đun lửa to để nồi xương sôi đều. Lưu ý muốn ninh xương được nhừ và nước hầm xương được ngọt và trong, bạn nên để thời gian ninh xương ít nhất là 1 tiếng, thông thường là 2-3 tiếng.
  • Sau khi sôi đều, bạn hạ nhỏ lửa xuống, quan sát thấy phần bọt đen và cặn nổi lên ở bề mặt thì lấy muôi vớt hết ra để nước hầm được trong hơn.

lau-Thai-thap-cam

Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác

Trong thời gian chờ cho xương được ninh nhờ, bạn chuẩn bị sơ chế các đồ nhúng lẩu như sau:

  • Ngao: Bạn đổ vào ngâm trong nước vo gạo hoặc nước muối pha loãng cắt thêm vài lát ớt tươi, ngâm trong khoảng 20 phút để ngao nhả hết đất bẩn bên trong ra, sau đó rửa lại bằng nước sạch, để ráo.
  • Tôm sú: Bóc bỏ vỏ, chân, đầu, rút chỉ, sau đó đem rửa sạch, để ráo.
  • Mực: Làm sạch, thái miếng vừa ăn, khứa thành hình chéo cho đẹp mắt.
  • Thịt bò: Rửa sạch, đem thái miếng vừa ăn, chú ý thái mỏng để khi nhúng lẩu thịt nhanh chín hơn.
  • Nấm: Cắt bỏ phần gốc, sau đó đem ngâm vào nước bột sắn hòa tan rồi rửa lại bằng nước sạch.
  • Đậu phụ: Rửa sạch, thái thành từng miếng vuông nhỏ vừa ăn.
  • Ngô ngọt: Bóc vỏ, nhặt sạch dâu, rửa sạch, bổ thành khúc vừa ăn, dày tầm 5cm.
  • Rau các loại: Nhặt sạch phần úa, già, rửa sạch, để ráo.

Sau khi sơ chế xong hết tất cả các nguyên liệu trên, sắp xếp đồ ra đĩa, bày lên bàn.

lau-Thai-thap-cam

Bước 3: Hoàn thiện nước lẩu

  • Khi nước xương hầm đã đạt yêu cầu (xương nhừ tơi, nước xương trong và ngọt), bạn vớt xương ra để riêng, rồi đem đổ phần nước hầm này vào nồi lẩu. Đậy nắp đun sôi khoảng 5 phút.
  • Sau đó cho sả, riềng, dứa, cà chua, lá chanh, nước cốt chanh, nước cốt dừa vào nồi lẩu.
  • Nêm gia vị: Cho 3 thìa cà phê gia vị lẩu Thái hòa tan với nước sôi đổ vào nồi lẩu, tiếp tục nêm thêm các gia vị khác cho vừa ăn: 2 thìa cà phê đường, 3 thìa nước mắm, 3 thìa hạt nêm, 1 thìa sa tế.

lau-Thai-thap-cam

Đến đây là bạn đã hoàn thành xong nồi lẩu Thái thập cẩm chua cay ngon ngất ngây rồi đấy. Giờ chỉ cần bắc bếp đặt ra bàn và cùng quây quần thưởng thức bên gia đình ngay thôi nào.

Yêu cầu thành phẩm của món lẩu Thái thập cẩm

  • Màu sắc: Món lẩu Thái thập cẩm chua cay ngon đúng điệu sẽ có màu nước đỏ sậm hơi ánh vàng của gia vị lẩu, cà chua, sa tế. Nước dùng trong không bị đục, cặn xương.
  • Mùi vị: Dậy mùi cay nồng của sả, riềng, sa tế, mùi thơm của nước cốt chanh, mùi béo ngậy đậm đà của nước cốt dừa. Tất cả như hòa quyện vào nhau, thơm ngon ngây ngất, đánh thức khứu giác người thưởng thức.

lau-Thai-thap-cam

Mách bạn một vài mẹo hay khi chế biến và thưởng thức món lẩu Thái thập cẩm chua cay

  • Để có thể nấu nồi lẩu đạt chuẩn vị lẩu Thái truyền thống, mách bạn nên mua lá chanh Thái về bỏ vào nồi lẩu. Nếu ngoài chợ hay các cửa hàng tạp hóa khô không có, bạn có thể tìm mua ở siêu thị hay các cửa hàng chuyên cung cấp gia vị Thái, gia vị nước ngoài.
  • Tôm nên chọn loại tôm sú to, tươi sẽ giúp nước lẩu ngọt hơn và thịt tôm khi nhúng lẩu ăn cũng sẽ không bị bã, không gây cảm giác ngán.
  • Các loại nấm để nhúng lẩu, muốn cho nấm được trắng hơn và loại bỏ được độc tố trong nấm để yên tâm khi ăn thì sau khi mua về, bạn nên ngâm vào nước bột sắn hòa tan trong khoảng 20 phút  rồi sau đó mới đem rửa lại thật kỹ bằng nước sạch.
  • Nên cho một lượng vừa đủ nước cốt dừa vào nồi lẩu. Nước cốt dừa sẽ làm cho nước lẩu được thơm ngọt và béo ngậy hơn, đồng thời cũng làm dịu đi vị cay gắt của sa tế.

lau-Thai-thap-cam

Hi vọng với những hướng dẫn chi tiết về cách làm lẩu Thái thập cẩm trên đây sẽ không còn làm khó bạn để chiêu đãi gia đình thân yêu của mình vào mỗi dịp cuối tuần một món ăn tuyệt ngon và hấp dẫn này nhé! Chúc các bạn thành công!

Tải ứng dụng beemart

Tải App Beemart Tải App Beemart
popup

Số lượng:

Tổng tiền: