-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Mâm cỗ cúng rằm tháng 7 gồm những gì? Hướng dẫn chuẩn bị đúng cách
Thứ Tue,
31/07/2018
(0) Nhận xét
Rằm tháng 7 là một trong hai ngày Rằm lớn trong năm của người Việt với ý nghĩa xá tội vong nhân và báo hiếu công ơn sinh thành. Vậy mâm cỗ cúng rằm tháng 7 gồm những gì? Cùng Beemart tìm hiểu trong bài viết này nhé!
- Xem thêm Món ăn chay ngon, dễ làm cho ngày rằm tháng 7
- Xem thêm Lễ cúng cô hồn - Cần chuẩn bị và cần tránh những cái gì?
Mâm cỗ cúng rằm tháng 7 gồm những gì? Hướng dẫn chuẩn bị đúng cách
Rằm tháng 7 vừa là lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ đồng thời đồng thời cũng là ngày xá tội vong nhân (hay còn gọi là lễ cúng cô hồn) để cầu siêu, tưởng nhớ những vong hồn lang thang, vất vưởng. Vậy mâm cỗ cúng rằm tháng 7 sẽ gồm những gì? Chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu nhé!
Nguồn gốc và ý nghĩa mâm cỗ cúng rằm tháng 7
Nguồn gốc của ngày rằm Tháng 7 hay còn gọi là lễ Vu Lan báo hiếu xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ bằng cách nghe lời Phật dạy: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm Tháng 7 là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó". Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng, chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng có thể làm theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.
Vu Lan là dịp để nhắc nhớ tâm tưởng mỗi người đong đầy thêm tình cảm hiếu lễ, lòng biết ơn hướng về cha mẹ. Trong những ngày này, dù già hay trẻ, trai hay gái khi dự lễ Vu Lan đều thành kính và tràn ngập trong cảm xúc khi đón nhận một bông hoa hồng cài trang trọng lên ngực áo. Những người còn cha mẹ cài bông hồng đỏ như một lời nhắc nhở rằng mình vẫn còn cả cha và mẹ. Người không còn cha mẹ cài bông hoa trắng để tưởng nhớ đấng sinh thành. Tuy nhiên, màu sắc hoa hồng chỉ là sự quy ước.
Nghi thức lễ Vu Lan không nên tiếp cận theo góc độ thuần túy tín ngưỡng tôn giáo mà mang ý nghĩa thắp lên ngọn đuốc trí tuệ của tình thương yêu. Đó là ý nghĩa đích thực của ngày Vu Lan, nét đẹp nhân văn trong ứng xử của những người con đại hiếu bởi sự hiếu thảo không thuộc về bất kỳ tôn giáo nào.
Ngoài ra, khi Mục Kiền Liên thành tâm làm theo lời Phật dạy, không những cứu được mẹ mà còn giải thoát được tất cả vong hồn bị giam cầm ở âm cung. Từ đó ngoài ý nghĩa "mùa hiếu hạnh", Tháng 7 âm lịch còn gọi là tháng "xá tội vong nhân", tức là thời gian các vong hồn được thả tự do. Trong những ngày này, người dân thường lập đàn cầu siêu hoặc cúng thí (bố thí) thức ăn cho các cô hồn (tức là vong hồn không có người thân) để mong họ phù hộ cho mình.
Mâm cỗ cúng ngày rằm tháng 7
Theo tục lệ của người Việt, có hai cách làm mâm cỗ cúng rằm tháng 7: một là các món chay; hai là mâm cơm mặn tùy vào hoàn cảnh và căn cơ của người đang sống. Thông thường mâm cỗ chay cần có: Canh chay, nem chay, thịt quay chay, xôi đỗ xanh, nộm chay... là đầy đủ.
Ngoài ra, nếu gia chủ làm mâm cỗ mặn thì dưới đây là 7 món mặn nhất định phải có trong mâm cỗ cúng rằm tháng 7:
- Xôi: Trong bất cứ mâm cỗ nào của người Việt, món xôi là món không thể thiếu khi cúng tổ tiên. Chính vì vậy, theo truyền thống nhà nhà thường nấu xôi đỗ xanh để trên mâm cỗ cúng rằm tháng 7. Đĩa xôi mềm dẻo, thơm nức mũi, hạt gạo nếp trắng tinh xen đều là hạt đỗ xanh bở mềm là gợi ý hoàn hảo cho mâm cỗ truyền thống của người Việt. Ngoài ra hiện nay, để mâm cỗ cúng thêm đẹp mắt, nhà nhà cũng hay dâng lên bàn thờ tổ tiên đĩa xôi gấc đỏ đẹp mắt.
- Gà trống luộc: Trong bất cứ mâm cỗ mặn nào, gà luộc là món không thể thiếu và trong mâm cỗ cúng rằm tháng 7 cũng vậy. Người ta chọn mua những con gà sống với cái mào đỏ rực, đem về làm sạch rồi luộc chín, quết thêm thứ mỡ gà vàng ươm cho mình gà căng bóng. Khéo tay hơn, người ta vặn mình con gà để hai cánh kết vào cái mỏ, cài thêm bông hoa hồng tươi hoặc bông hoa được tỉa bằng ớt... để dâng cúng tổ tiên.
- Miến: Sau khi luộc gà xong, bạn tận dụng phần nước luộc gà thơm ngon, cùng phần lòng mề bổ dưỡng để nấu miến nhé! Miến lòng gà để trong mâm cỗ cúng rằm tháng 7 cũng là món ăn được các bà nội trợ thường làm . Món miến lòng gà với sợi miến dai dai, sần sật, lòng gà thơm lừng, nước dùng ngọt tự nhiên khiến cho bất cứ ai thưởng thức cũng thấy ngon miệng.
- Nem rán: Nem rán là món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp rằm, lễ Tết. Nem rán từ lâu đã trở thành món ăn truyền thống của người Việt Nam, đặc biệt là người dân miền Bắc. Không chỉ trong dịp lễ Tết, ngay cả cuộc sống đời thường nhiều gia đình vẫn thường rán nem để đổi bữa.
- Giò lụa: Trong mâm cỗ truyền thống, ai ai cũng không thể quên đặt 1 đĩa giò lụa được tỉa khéo léo hoặc sếp thật ngay ngắn, giản đơn bên các món gà luộc, đĩa xôi. Đĩa giò, đĩa chả luôn giữ vị trí mỹ vị và đã trở thành món ăn không thể thiếu nhất là trong mâm cỗ cúng rằm tháng 7. Miếng giò lụa dai giòn đậm đà vị mắm ngon với mùi tiêu thơm, dùng kèm xôi gấc hay xôi đỗ xanh thì chao ôi, ngon không thể tả. Nhất định trong mâm cỗ cúng rằm tháng 7, bạn nhớ chuẩn bị một đĩa giò lụa nhé!
- Nộm gà xé phay: Bên cạnh những món nem, giò chả dễ gây ngán trong mâm cỗ cúng rằm tháng 7, người Việt không thể thiếu món rau nộm. Nộm có nhiều khúc biến tấu khác nhau: nộm rau muống, hoa chuối, su hào…. nhưng tựu chung đều rất đơn giản, dễ làm và rất được ưa chuộng trong mâm cỗ cúng tổ tiên.
- Chè sen long nhãn: Nhãn đang vào mùa, bạn hãy nấu món chè sen long nhãn thơm mát để dâng cúng tổ tiên nhé! Chắc chắn hương vị mát lành của bát chè sen long nhãn không chỉ khiến mâm cỗ gia đình thêm thanh tịnh mà còn giúp gia đình giải nhiệt trong những ngày nắng nóng nhé! Đây cũng chính là món cuối cùng trong 7 món nhất định phải có trong mâm cỗ cúng rằm tháng 7.
- Bánh trung thu hình đàn lợn: Hình ảnh những chú heo con kế bên heo mẹ thể hiện tình thân gia đình ấm áp, ước nguyện về một cuộc sống no đủ, sung túc. Với ý nghĩa này mà nhiều gia định lựa chọn tự tay làm bánh trung thu hình đàn lợn để thể hiện sự thành tâm của mình trong mâm cỗ cúng ngày rằm tháng 7.
Bánh trung thu hình đàn lợn không quá khó làm, chỉ cần khéo tay chút là được. Để làm bánh, bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:
- 220gr bột mỳ Hoa Ngọc Lan
- 140gr nước đường bánh nướng
- 20 gr dầu đậu phông hoặc dầu ăn thông thường
- 1 lòng đỏ trứng gà
- 5gr (khoảng 1 thìa cafe) bơ đậu phộng
- 1/4 thìa cafe ngũ vị hương
>>> Xem thêm Combo làm vỏ bánh nướng TẠI ĐÂY
Cách làm:
Bước 1: Rây bột vào âu, dùng thìa vét bột, tạo một lỗ trống ở giữa âu. Cho lần lượt các nguyên liệu còn lại vào phần trống này. Nhẹ nhàng dùng thìa quấy đều theo vòng tròn hoặc xoắn ốc từ chất lỏng ở giữa ra ngoài để bột khô dần hòa quện với các nguyên liệu còn lại.
Bước 2: Quấy đến khi các nguyên liệu quyện thì dùng tay nhẹ nhàng nhào để bột tạo thành một khối mịn dẻo và đồng nhất. Bột mới trộn xong sẽ hơi ướt một chút. Nếu bột khô và bở, có thể bẻ vụn dễ dàng, nên thêm dầu ăn hoặc nước đường nhé.
Bước 3: Dùng nilon bọc thực phẩm hoặc giấy nến nướng bánh bọc kín cả khối bột để bột không bị khô. Để bột nghỉ ở nhiệt độ phòng khoảng 30 - 45 phút.
Bước 4: Chuẩn bị nhân bánh trong khi chờ bột nghỉ.
Nhân bánh nướng bạn hoàn toàn có thể lựa chọn theo ý thích cá nhân: nhân thập cẩm, nhân đậu xanh, nhân trà xanh, hồng trà... Bạn cũng có thể tự làm ở nhà hoặc mua ngoài hàng đều được.
Tỷ lệ vỏ bánh và nhân là 1 vỏ: 2 nhân. Phần nguyên liệu ở trên có thể làm ra được khoảng 400gr bột nên phần nhân sẽ là 800gr nhân.
Bước 5: Tạo hình cho bánh
Nhào nhanh vỏ bánh nướng lại một lần nữa, sau đó lấy cán lăn bột cán mỏng ra đủ để lớp vỏ ôm trọn lớp nhân, không nên cán mỏng quá cũng không nên cán dày quá.
Sau khi lớp nhân đã nằm trọn trong lớp vỏ, cho bánh vào khuôn, dùng tay ép chặt và đổ bánh ra. Trước khi cho bánh vào ép thì bạn nhớ chống dính trước cho khuôn bằng một lớp bột mì mỏng nhé.
Bước 6: Chuẩn bị hỗn hợp phết mặt bánh
Hỗn hợp phết mặt bánh bao gồm: 1/3 lòng trắng trứng gà, 1 lòng đỏ trứng gà, 1 thìa rượu vàng, 1 thìa dầu mè và 1 thìa sữa, quấy đều cho tất cả hỗn hợp hòa vào nhau.
Chuẩn bị chổi quét mặt bánh, nên chuẩn bị chổi lông mềm để mặt bánh được đều màu và đẹp nhất.
Bước 7: Nướng bánh: Nướng thành 3 lần:
- Lần 1: Đặt bánh trong lò nướng ở nhiệt độ 200 độ C trong khoảng 15 phút, lúc này khi nướng xong bánh sẽ có màu trắng đục, mặt bánh khô hơn. Nhấc bánh ra khỏi lò, để bánh nguội hẳn và quét bánh lần 1.
- Lần 2: Nướng bánh ở nhiệt độ lửa trên 200 độ C, dưới 180 độ C trong khoảng 10 phút, lúc này bánh sẽ vàng hơn. Tiếp tục đưa bánh ra khỏi lò, để bánh nguội hẳn và quét mặt bánh lần 2.
- Lần 3: Nướng ở nhiệt độ như lần 2 cho đến khi màu bánh vàng như ý là được.
Thế là hoàn thành chiếc bánh trung thu hình đàn lợn đầy ý nghĩa, thành tâm cho mâm cỗ cúng rằm tháng 7 của gia đình bạn rồi đó. Cũng không quá khó phải không các bạn!!!
>>> Xem thêm nguyên liệu làm bánh Trung thu tại đây
Bàn thờ tổ tiên của người Việt thường có ba bát hương. Bát hương ở giữa là thờ Phật, bát hương bên phải là thờ thần linh thổ công, bát hương bên trái thờ gia tiên. Lễ đầy đủ phải có thêm rượu, trái cây và bình hoa.
Lễ cúng Phật được đặt ở nơi cao nhất, sau đó là lễ thần linh và cuối cùng là mâm lễ gia tiên. Sau khi cúi đầu lạy Phật, dâng lễ, tạ ơn, cầu xin và hứa nguyện, bạn có thể tụng kinh niệm Phật. Nếu chưa biết tụng kinh niệm Phật thì có thể chuẩn bị bài đọc kinh Vu lan được bán rất nhiều hiện nay tại các chùa.
Tiếp đến là lễ cúng tạ ơn các thần linh và dâng mâm cơm tưởng nhớ ông bà tổ tiên để cầu nguyện cho các vong hồn siêu thoát, cầu bình an cho gia đình.
Mâm cỗ cúng rằm tháng 7 - Mâm cỗ cúng chúng sinh
Lễ cúng chúng sinh (Cúng cô hồn) được tổ chức vào buổi chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7 (âm lịch), bởi vì, người ta quan niệm, đây là thời gian những vong linh trên đường trở về địa ngục nên cũng là lúc cúng cô hồn chuẩn nhất. Mọi việc cũng phải được hoàn tất vào ngày 15/7.
Trên mâm cúng chúng sinh lễ vật gồm có:
- Muối gạo (1 đĩa sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong)
- Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ)
- Hoa quả (5 loại 5 màu)
- 12 cục đường thẻ
- Quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...)
- Các loại bỏng ngô, bánh, kẹo
- Tiền vàng (tiền thật các loại mệnh giá và tiền vàng mã)
- Nước: 3 chén (hay 3 ly nhỏ ), 3 cây nhang , 2 ngọn nến nhỏ.....
Ngoài ra, vào dịp lễ Vu Lan, rằm Tháng 7, mỗi gia đình có thể phóng sinh chim, cá, tôm, cua... Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình, việc phóng sinh không bắt buộc phải thực hiện trong ngày rằm Tháng 7 mà có thể thực hiện quanh năm, miễn là khi phóng sinh có suy nghĩ vô tư, trong sáng, thành tâm làm phúc.
Ngày nay, cuộc sống bận rộn, các nét truyền thống dù không bị mất đi nhiều nhưng cũng dần thay đổi để hợp với xu hướng hiện đại. Mâm cỗ cúng rằm tháng 7 truyền thống ngày nay không chỉ có những món thuần Việt mà còn du nhập thêm các món ăn từ nền văn hóa khác.
Tuy nhiên, những món ăn chính như đĩa xôi, giò lụa, gà luộc, nem, nộm, miến nấu và thêm một đĩa xào… vẫn là những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng rằm tháng 7. Vì vậy, dù bận rộn đến đâu, những người xa xứ vẫn luôn trở về đoàn viên trong ngày rằm Tháng 7 để tụ họp đông đủ gia đình, thành kính dâng hương với tổ tiên.
Hi vọng bài viết trên đây của Beemart sẽ giúp các bạn chuẩn bị tươm tất một mâm cỗ cúng rằm tháng 7 thành tâm và hiếu kính nhé!