-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
[BeeShare] MỘT SỐ KỸ NĂNG MỀM CẦN THIẾT KHI ĐI LÀM
Thứ Tue,
18/08/2020
(0) Nhận xét
Bạn là người có trình độ chuyên môn và năng lực làm việc tốt, nhưng để thành công trong sự nghiệp thì bấy nhiêu là chưa đủ. Để có thể từng bước vươn lên nấc thang thành công bạn còn phải trang bị cho mình những "Kỹ năng mềm" cần thiết. Sở hữu bộ kỹ năng mềm mạnh mẽ cũng quyết định khả năng thăng tiến của bạn trong tương lai với các vị trí quản lý cấp cao, giám đốc hay nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Vậy đâu là những kỹ năng mềm cần thiết cho người đi làm? Cùng Bee tìm hiểu các bạn nhé:
1. Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp không chỉ có vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi người mà nó còn quyết định khả năng thành công trong sự nghiệp. Giao tiếp hiệu quả không chỉ là nói và nghe mà là cách bạn truyền đạt ý tưởng, hay cách bạn bày tỏ quan điểm một cách chân thành, thân thiện, hay cách bạn thuyết phục người khác. Đó cũng là cách bạn xây dựng niềm tin và thể hiện sự tôn trọng trước những quan điểm, thái độ của người khác.
Thực tế cho thấy những người có kỹ năng giao tiếp tốt đều dễ dàng đạt được thành công trong công việc và cuộc sống. Mỗi ngày bạn thường trải qua khoảng 8 tiếng tại công sở. Trong khoảng thời gian đó bạn phải trò chuyện, trao đổi công việc với cấp trên, đồng nghiệp, khách hàng… Nếu bạn không thể giao tiếp tốt với họ thì công việc sẽ không thể tiến triển hơn được. Ngược lại, giao tiếp hiệu quả sẽ giúp bạn nhận thấy mọi việc xung quanh vô cùng thuận lợi và dễ dàng xử lý hơn rất nhiều.
2. Kỹ năng làm việc nhóm
Khả năng làm việc độc lập thường được đánh giá cao nhưng không có nghĩa là bạn có thể xem nhẹ kỹ năng làm việc nhóm. Các nhà quản lý thường mong muốn nhân viên của họ có mối quan hệ tương tác tốt với nhau vì điều đó mang đến hiệu quả cao hơn trong công việc.
Khi làm việc nhóm bạn phải biết cách kết hợp hài hòa với các thành viên còn lại. Đây cũng là cơ hội để bạn thể hiện năng lực và sự nhiệt tình trong các hoạt động tập thể. Kỹ năng làm việc nhóm tốt không chỉ nâng cao hiệu quả công việc mà còn giúp bạn học hỏi được nhiều điều từ các thành viên khác trong nhóm cũng như hỗ trợ con đường thăng tiến trong sự nghiệp của bạn.
3. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Mọi việc chúng ta gặp phải trong cuộc sống và công việc đều có bản chất rất phức tạp. Mặc dù không phải lúc nào mọi việc cũng được giải quyết suôn sẻ và đạt hiệu quả như mong đợi. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, thì khi phát sinh những tình huống bất ngờ bạn vẫn có thể tự tin xử lý một cách khoa học và chuyên nghiệp.
Những người có khả năng đặt vấn đề và biết cách giải quyết vấn đề thường được các công ty trọng dụng. Đồng thời họ cũng được cấp trên và đồng nghiệp trân trọng và yêu mến.
4. Kỹ năng quản lý thời gian và tổ chức công việc
Với cùng một lượng thời gian như nhau nhưng có người làm việc rất hiệu quả, còn người lại không đủ thời gian xử lý công việc trong một ngày. Khác biệt giữa hai nhóm người này là do cách họ quản lý thời gian và tổ chức công việc. Những người có kỹ năng quản lý thời gian và tổ chức công việc khoa học và hiệu quả thường có năng suất lao động cao hơn những người khác. Họ luôn biết cách xác định ưu tiên công việc hợp lý, cũng như tính toán được thời gian cần thiết cho từng công việc cụ thể. Toàn bộ công việc được họ xử lý theo một trình tự logic và khoa học, không để lãng phí thời gian cho những việc vô ích.
5. Kỹ năng tư duy sáng tạo
Mỗi ngày bạn dùng cùng một cách để thực hiện các công việc quen thuộc thì kết quả đạt được sẽ luôn như những lần trước đó. Nếu bạn mong muốn cải thiện hiệu quả công việc thì bạn cần kỹ năng tư duy sáng tạo để phân tích, tìm kiếm phương pháp mới để thực hiện các công việc quen thuộc đó. Con người chỉ đạt được thành tựu vượt trội khi họ tìm được cách xoay chuyển tình hình. Mà năng lực sáng tạo của con người là vô hạn. Tất cả phụ thuộc vào việc bạn có biết cách khơi gợi và nắm bắt hay không mà thôi.
Khi bạn đã quen thuộc với công việc và hiểu rõ bản chất của công việc trong công ty thì đã đến lúc bạn nên nghĩ đến việc vận dụng khả năng sáng tạo của mình. Nếu bạn có thể tìm ra cách giúp cải thiện hiệu quả công việc thì cấp trên và đồng nghiệp sẽ dành cho bạn sự quý trọng và ngưỡng mộ chân thành nhất.
6. Kỹ năng lắng nghe và chấp nhận những lời phê bình
Có thể nói rằng đây là kỹ năng đầy thử thách với mỗi người. Mọi người đều có thể lắng nghe nhưng làm sao để lắng nghe một cách hiệu quả thì không phải ai cũng làm được. Tương tự như vậy, đứng trước những lời phê bình hay những nhận xét tiêu cực không phải ai cũng có thể dễ dàng đón nhận.
Để có thể lắng nghe hiệu quả bạn cần học cách thấu hiểu những thông điệp người nói muốn nhắc đến. Bạn cần chú ý đến cách thức truyền tải thông tin chứ không chỉ là nội dung được nói ra. Hãy xác định rõ những gì người khác nói, tránh để xảy ra nhầm lẫn, gây hiểu lầm đáng tiếc.
Trong quá trình làm việc, khi phải đối mặt với những lời phê bình, bạn nên cởi mở đón nhận nó và khiến nó trở thành một phần kinh nghiệm quý báu cho mình. Đừng cảm thấy tự ái hay tự ti trước những lời phê bình. Vì lời phê bình chính là những lời nói chân thành có thể giúp bạn nhận ra khuyết điểm của bản thân mà sửa đổi.
Cho dù bạn làm việc trong lĩnh vực nào hay làm việc tại vị trí, chức vụ nào thì những kỹ năng trên đều rất cần thiết cho bạn. Những kỹ năng này không phải tự nhiên mà có, tất cả đều đòi hỏi bạn phải trải qua quá trình làm việc, tích lũy kinh nghiệm. Vì vậy ngay từ bây giờ hãy xây dựng thói quen rèn luyện những kỹ năng cần thiết trên đây để đạt được thành công trong sự nghiệp.
- Sưu tầm -
Từ khóa:
Không có từ khóa nào được đặt